Thủ tục tang lễ, và những điều quan trọng cần lưu ý

Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, con người từ khi sinh ra không thể tránh khỏi sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng phải có ngày lìa xa thế giới về cõi vĩnh hằng.

Để quá trình chuẩn bị tang lễ tiễn đưa người thân về nơi quy tiên được chu đáo, các gia đình cần biết về thủ tục tang lễ dưới đây!

Thủ tục tang lễ là một phần văn hóa người Việt, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với người mất thông qua việc tổ chức các nghi lễ, tiễn đưa một cách chu đáo, ân tình.

Xem thêm:

 

Những vật dụng cần chuẩn bị:

Ngay khi người thân vừa mất, gia đình cần chuẩn bị chu đáo những vật dụng bao gồm:

  • Một bộ quần áo mới để thay cho người mất bao gồm đầy đủ áo, quần, đồ lót, giầy, tất…
  • Chậu nước thơm gồm: gừng, bồ kết, ngải cứu, bưởi, hương nhu, tía tô, thì là…
  • Một bộ trang điểm và những vật dụng của người mất giống như khi còn sống: bàn chải đánh răng, gương lược, giầy dép…
  • Vải tang để làm khăn tang, vải xô trắng…
  • Đá khô, miếng vàng miếng bạc, bông nút tai, mũi, tiền lẻ, bộ chắn để để vào quan tài người mất.
  • Liên hệ đội kèn trống, phường bát âm, ban tổ chức lễ tang địa phương, chọn nơi chôn cất.

 

Thủ tục tang lễ cần thiết

Lập bàn thờ vong

Trước tiên, gia đình cần lập một bàn thờ vong bao gồm: hai cây chuối nhỏ dựng hai bên, hai lọ hoa, hai bát hương, di ảnh người mất, mâm ngũ quả, nến, hương, thùng để đựng hương và phong bì viếng, mâm dựng khăn tang, áo xô…

Đại diện gia chủ (thường là con trai trưởng) có nhiệm vụ đứng cạnh bàn thờ để châm hương, cảm ơn khách đến viếng.

 

Chuẩn bị bàn tang lễ

Chuẩn bị bàn tang lễ để các đoàn thể, khách đến thăm viếng được đặt sẵn các vật dụng gồm: sổ tang lễ, 20 – 30 chiếc đĩa để dâng lễ, phong bì, bút, băng đen; 3 – 5 tờ cáo phó tang lễ, míc, loa đài…

 

Quy trình nhập quan và phát tang

Trong quá trình nhập quan, để toàn bộ vật dụng của người mất cùng bộ chắn, đá khô, tiền lẻ vào trong quan tài.

Đến giờ phát tang, con cháu trong gia đình xếp thành 3 – 4 hàng trước bàn thờ theo thứ tự từ lớn đến bé theo sự sắp xếp của ban tổ chức để nhận khăn tang.

Sau khi phát tang, gia đình nên cử hai người đứng hai bên bàn thờ để đỡ lễ và châm hương cho khách.

Khi đến giờ an táng, gia quyến tập trung quỳ lạy bên linh cữu theo hướng dẫn cách lạy đám tang của thầy chùa và ban tổ chức lễ tang.

Sau đó đại diện ban tổ chức đọc điếu văn chia sẻ về quá trình công tác, cống hiến, những đóng góp của người đã mất cũng như bày tỏ sự tiếc thương của gia đình, cộng đồng với hương hồn người đã mất. Đại diện gia quyến có lời cảm ơn với quan khách đến chia buồn cùng tang lễ.

Xem thêm:

 

Di quan

Người thân tiến hành di quan về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong quá trình di quan, con cháu vừa đi vừa đẩy theo linh cữu. Bạn bè, người thân xóm làng đi theo sau, mặc trang phục màu tối. Người đi đường khi gặp đám tang sẽ dừng xe, hạ mũ, dắt xe qua.

Khi di chuyển quan tài cần chậm rãi, nhẹ nhàng, vừa đảm bảo quan tài được thăng bằng vừa thể hiện sự níu kéo trần gian của người còn sống với người đã mất.

Tại nhiều địa phương có phong tục “cha đưa mẹ đón”, tức là tang cha thì con trai trưởng đi chân đất, chống gậy tre sau quan tài, tang mẹ, con trai trưởng phải chống gậy vông đi lùi trước quan tài.

Sau khi tiến hành hạ huyệt, gia đình và khách viếng đi vòng quanh mộ, thắp hương, tiễn biệt lần cuối trước khi người mất chính thức về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Công tác thờ cúng sau an táng

Sau khi an táng, gia đình thường trở về nhà tập trung trước bàn thờ theo hướng dẫn của thầy cúng. Sau đó mời họ hàng, bà con dùng bữa để cảm ơn.

Sau khi người mất được ba ngày, gia đình làm lễ viếng mộ.

Trong thời gian 49 ngày hay còn gọi tuần chung thất, tứ cửu tức, gia chủ cúng cơm hàng ngày cho đến hết tuần thứ 7.

Khi người mất được 100 ngày thì làm lễ Tốt khốc (thôi khóc). Gia đình mời thầy cúng, đốt nhà cho người mất, đốt tang phục và đưa di ảnh người mất lên bàn thờ tổ tiên.

Sau một năm âm lịch sẽ làm lễ Giỗ đầu nhằm mục đích tưởng nhớ về người đã khuất.

Lễ Mãn tang (đại tường) được thực hiện sau 03 năm. Đây coi như lễ đánh dấu hết thời gian chịu tang. Sau khi hoàn tất lễ Mãn tang, vợ/ chồng hoặc con cháu của người mất mới được tổ chức lễ cưới xin.

 

Lời kết

Ngày nay thủ tục tang lễ tại nhiều nơi đã được giản tiện để phù hợp với nếp sinh hoạt và điều kiện cuộc sống mới.

Tuy nhiên những giá trị văn hóa trong đám tang người Việt vẫn được thể hiện đầy đủ trong những thủ tục tưởng nhớ người đã khuất, thể hiện sự tiếc thương và tấm lòng của con cháu theo quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” từ xa xưa.

Xem thêm: